Tìm hiểu những điệu múa truyền thống ở Thái Lan
Từ triều đại Siam, những điệu múa truyền thống ở Thái Lan đã hình thành và phát triển từ lâu đời. Thuở xa xưa, các điệu múa Thái hay nhất được biểu diễn phục vụ vua chúa và hoàng tộc trong cung đình.
Tổng quan
Về sau, những điệu múa này dần có sức lan toả và ảnh hường sâu rộng ở vùng Angko của Campuchia. Tương đồng với những đặc điểm tính cách và tôn vinh nền văn hoá Phật giáo của người dân xứ sở nơi đây, những điệu múa Thái mang phong thái nhẹ nhàng, uyển chuyển, tinh tế, thư thái và mềm mại.
Những điệu múa truyền thống ở Thái Lan
Nhắc đến những điệu múa truyền thống của Thái Lan không thể không nhắc đến loại hình múa Khon, Lakhon và Fawn Thai, trong đó điệu múa được yêu thích nhất nhưng lại yêu cầu nhiều kĩ năng phức tạp chính là múa Fawn Thai. Ba điệu múa này thường được trình diễn trong các dịp lễ hội khác nhau.
Múa Khon
Múa Khon là một thể loại kịch múa chỉ được trình diễn trong cung đình. Điệu múa sử dụng sức mạnh của các cơ bắp, bước nhảy, quay, lộn, động tác dứt khoát đòi hỏi sự dũng cảm của các diễn viên nam. Diễn viên sẽ đeo mặt nạ, mặc bộ quần áo đồng piphat truyền thống và thuyết minh. Nhìn chung, phần lớn các màn múa Khon tái hiện những trích đoạn từ trường ca Ramakien của Thái Lan (phiên bản từ Ramayana của Ấn Độ), trong đó vai Tướng Khỉ Hanuman luôn là mơ ước của tất cả nam nghệ sỹ.
Múa Lakhon
Tương tự như múa Khon nhưng truyền tải đa dạng nội dung câu chuyện hơn là múa Lakhon. Điệu múa này không đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ cần sự uyển chuyển, nhẹ nhàng và duyên dáng, đặc biệt phù hợp với diễn viên nữ và diễn theo nhóm. Điệu múa Thái hay nhất Lakhon bao gồm cả truyện dân gian và cổ tích.
Múa Fawn Thai
Nổi tiếng nhất với nhiều làn điệu đa dạng và được trình diễn tại các dịp lễ lớn của quốc gia với sự tham gia của hàng trăm vũ công phải kể đến múa Fawn Thai. Có 5 điệu chính trong điệu múa truyền thống Fawn Thai, gồm có Fawn Leb (Múa Móng tay), Fawn Marn Gumm Ber (Múa Bướm), Fawn MarnMong Kol (Múa mừng Hạnh phúc), Fawn Tian (Múa Nến) và Fawn Ngiew (Múa Khăn).
Mỗi điệu múa khác nhau sẽ gắn liền với các đạo cụ, phương thức biểu diễn và ý nghĩa khác nhau. Múa Fawn Leb thường có 5 cặp vũ nữ biểu diễn, mỗi vũ nữ đeo 10 móng tay được mạ vàng, mạ bạc, dài chừng 15cm cong vút khi trình diễn. Riêng múa Fawn Tian lại đòi hỏi sự uyển chuyển tựa làn khói, tinh tế với những bước ngắn, chỉ lắc vai và thân người trên. Điệu múa này thường được biểu diễn vào buổi tối để tạo ấn tượng lung linh của nến. Đi cùng với mỗi điệu múa là một dàn nhạc từ 5-7 nhạc cụ truyền thống, trong đó nhạc cụ trung tâm là Ranad (giống như mộc cầm).
Một điểm cuốn hút làm nên một điệu múa Thái hoàn mĩ chính là sự kết hợp độc đáo của những trang phục truyền thống, có màu vàng kiêu sa làm chủ đạo đi liền với các trang sức vàng lấp lánh sang trọng cùng các vũ công xinh đẹp, dẻo dai, đằm thắm, bước chân điêu luyện hòa cùng điệu nhạc tạo nên những bài múa mượt mà và lôi cuốn.
Có thể nói, nét đẹp trong các điệu múa truyền thống Thái không chỉ mang các giá trị đặc sắc về nghệ thuật, mà còn tượng trưng cho tấm lòng thật thà, mến khách của con người xứ sở nơi đây, tất cả tạo nên một nét văn hóa đặc trưng níu chân du khách mỗi dịp đến đây.
Ngọc Diễm
(https://hcmussh.edu.vn/news/item/19870)